Friday, 19/04/2024 - 20:49|
Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến trường Quảng Trị trong ký ức những vị tướng trận mạc

(GD&TĐ) - Ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đó là dấu mốc ghi nhận khu vực hành chính đầu tiền của miền Nam được giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sau thời điểm ấy, những chiến sĩ Quân giải phóng trên Mặt trận Quảng Trị lại tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến khốc liệt nhằm phòng ngự và bảo vệ Quảng Trị.


(GD&TĐ) - Ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đó là dấu mốc ghi nhận khu vực hành chính đầu tiền của miền Nam được giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sau thời điểm ấy, những chiến sĩ Quân giải phóng trên Mặt trận Quảng Trị lại tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến khốc liệt nhằm phòng ngự và bảo vệ Quảng Trị.

Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng vùng đất đỏ lửa Quảng Trị luôn để lại những ký ức khó phai trong cuộc đời quân ngũ của các cựu chiến binh. Chúng tôi đã có dịp ghi lại cảm xúc của các vị tướng trận mạc từng có những năm tháng chiến đấu ở đôi bờ giới tuyến trên chiến trường Quảng Trị, nơi mà nhà thơ Lê Bá Dương từng xúc cảm: “Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/Một dấu chân in màu đất hai miền”...

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2:

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Trong Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, tôi đang là Trung đoàn phó Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304). Khi Trung đoàn 9 được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào đánh chiếm thị xã Quảng Trị, rạng sáng 2-5-1972, tôi đã trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1 và Đại đội 14 chia thành hai cánh tiến vào đánh chiếm Thị xã và thành cổ Quảng Trị.

4 giờ sáng ngày 2-5-1972, cờ giải phóng đã bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng, toàn bộ thị xã Quảng Trị đã hoàn toàn được giải phóng (Hiện nay tỉnh Quảng Trị lấy ngày 1-5-1972 là ngày giải phóng Quảng Trị). Tôi được cấp trên chỉ định làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị.

Ngày đầu, Uỷ ban quân quản đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, bởi trong thị xã ngổn ngang hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, các loại súng pháo, quân trang, quân dụng… của địch, tất cả đều cần phải nhanh chóng sơ tán, thu dọn, tránh không quân địch tới phá huỷ.

Ngay chiều 2-5-1972, chúng tôi đã họp bàn, huy động cán bộ, nhân dân và dân quân du kích ở các xã: An Tiêm, Hải Lệ, Triệu Thượng… cùng các xã thuộc huyện Triệu Hải về tham gia cứu chữa số binh lính Quân đội Sài Gòn đang bị thương, tiến hành chôn cất người chết, dọn vệ sinh và huy động hàng nghìn người dân ra đồng gặt lúa… Sau một tuần, chính quyền ở nhiều xã đã được củng cố, hàng trăm tấn vũ khí đạn dược của địch đã được đưa ra khỏi thị xã. Ngoài ra, ta đã thu được gần chục xe tài liệu quý do địch rút chạy không kịp phá huỷ hoặc mang theo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuyên, nguyên Chủ nhiệm chính trị Học viện Quốc phòng:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuyên
Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuyên

Khoảng cuối tháng 10-1972, Bộ tư lệnh Sư đoàn 312 nhận nhiệm vụ vào Quảng Trị trực tiếp chỉ huy ba trung đoàn phòng ngự kết hợp với tiến công, giữ tuyến động Ông Do - chùa Nga - Điểm cao 132 - Tích Tường - Như Lệ để bảo vệ con đường vận tải chiến lược. Khi đó, tôi đang là Phó Chính uỷ Sư đoàn 312 và được phân công trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 209.

Lúc này quân số Trung đoàn bị hao hụt, mỗi tiểu đoàn chỉ có thể đảm bảo một đại đội (gồm cả thương binh nhẹ) có thể chiến đấu được. Để tìm cách khích lệ tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ, tôi có bàn với chỉ huy Trung đoàn nên tổ chức các trận đánh nhỏ bởi hiện địch đang chủ quan. Đầu tiên chúng tôi tổ chức trinh sát kỹ đoạn đường mà địch thường đi lại, sau đó lựa chọn những chiến sĩ hăng hái, có sức khoẻ tốt để thành lập hai tiểu đội phục kích đánh địch. Cách đánh này đã phát huy hiệu quả ngay trong trận đánh đầu khi ta vừa tiêu diệt, thu vũ khí và lương thực của địch.

Sau đó, cứ cách một, hai ngày các phân đội lại tổ chức một trận phục kích địch. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất hăng hái, ai cũng muốn đi, cuối cùng chúng tôi phải đưa ra giải pháp “chia đều” để tiểu đoàn nào cũng được tham gia các trận phục kích địch. Đầu tháng 11-1972, Trung đoàn 209 tổ chức phản công, chiếm lại được các điểm cao 52, 15 và 29. Phía địch bị tổn thất nặng nên đã phải chuyển từ phản công ồ ạt sang đánh nhỏ lẻ...

Trung tướng Hoàng Kỳ, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam:

Trung tướng Hoàng Kỳ
Trung tướng Hoàng Kỳ

Những ngày diễn ra Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, tôi có mặt trong đội hình Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 (Đoàn Triệu Hải). Tôi nhớ mãi trận đánh ngày 30-3-1972, khi Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Trung đoàn 27 nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn căn cứ Phu-lơ (tức Điểm cao 544) và Đồi Tròn, mở cửa hướng tây bắc để các đơn vị chủ lực tiến công giải phóng Quảng Trị. Khi đó, tôi đang là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn chúng tôi và Tiểu đoàn 1 được giao phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (sau nàu là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ tiến công căn cứ Phu-lơ và Đồi Tròn từ phía tây và tây bắc.

Theo hiệp đồng, Tiểu đoàn trưởng Bùi Xuân Các, Chính trị viên Lê Văn Dưỡng, tôi (Tiểu đoàn phó) và Chính trị viên phó Nguyễn Xuân Kỳ lần lượt chỉ huy đánh chiếm các mỏm: Đ1, Đ2, Đ3, Đ4 ở phía bắc căn cứ Phu-lơ. Trận đánh diễn ra từ trưa 30-3 cho tới đêm hôm đó thì căn cứ Phu-lơ đã bị quân ta làm chủ.

Tiếp đó, tới trưa 31-3-1972, ta lại làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồi Tròn. Vậy là sau hai ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn 27 đã san bằng hai cứ điểm kiên cố mà địch từng ví là “con mắt thần” trong hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra.

Cùng đồng đội Trung đoàn Triệu Hải tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ ở chiến trường Quảng Trị, tôi từng chứng kiến biết bao đồng đội đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất khói lửa này. Ngày ấy, Trung đoàn 27 được bổ sung khá nhiều tân binh là sinh viên các trường đại học và công nhân, viên chức các cơ quan được động viên vào chiến trường. Ở họ vừa có những nét vô tư, trong sáng, lại vừa có sự sắc sảo, thông minh và đầy nhiệt huyết. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Quảng Trị khi tuổi đời còn rất trẻ…

Trung tướng Bùi Xuân Chủ, nguyên Chính uỷ Tổng cục Hậu cần:

Trung tướng Bùi Xuân Chủ

Trong các năm từ 1968-1972, tôi cùng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 (Quân đoàn 2) làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị. Còn nhớ thời điểm đầu tháng 7-1972, khi tôi đang là Chính trị viên Đại đội 6, một đại đội mà quân số chỉ còn lại 30 người, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ chốt giữ vị trí đầu cầu trong khu vực Thành cổ.

Sau khi nghe chỉ huy đại đội thông báo sẽ có 10 chiến sĩ được lựa chọn để cùng tôi vào chiến đấu đợt đầu tiên, thật bất ngờ, cả 30 chiến sĩ đều viết quyết tâm thư gửi Chính trị viên xin được tham gia trận đánh. Tôi đọc 30 bản quyết tâm thư với những nét chữ học trò của các chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi để lựa chọn ra 10 người trong số họ bước vào trận đánh với bao khó khăn đang ở phía trước.

Trận đánh ấy, tôi có một kỷ niệm khó quên về tình đồng chí, đồng đội. Hôm đó, khi đang đứng ở cửa hầm chỉ huy phân đội chiến đấu thì đạn pháo của địch trùm lên vị trí của tôi, rất nhanh, hai chiến sĩ Nguyễn Đăng Hùng và Phạm Văn Tiến đứng cạnh liền nhào tới, hét to: “Thủ trưởng ơi, nằm xuống!”.

Vì dũng cảm chắn đạn cho tôi mà cả hai chiến sĩ đều bị thương, người bị thương ở chân, người bị mất một tay do đạn pháo của địch. Sau này, tôi có về Quỳnh Lưu và Đô Lương (Nghệ An) để tìm gặp hai người đồng đội từng cứu mình năm ấy, nhưng tôi chỉ gặp lại Nguyễn Đăng Hùng, còn Phạm Văn Tiến thì đã mất do lâm bệnh hiểm nghèo…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết